Thực hiện Quyết định 50/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thành phố thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải nông thôn trên địa bàn các huyện thuộc TP Hà Nội, 23/23 xã, thị trấn của huyện Thạch Thất đã đầu tư xây dựng được 37 điểm tập kết rác thải tạm thời với diện tích 1,7ha; trong đó, 21 xã đã nghiệm thu công trình và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, điển hình là tại hai xã Phùng Xá và Hữu Bằng. Nguyên nhân ở đâu?
Tập kết lộ thiên, đốt rác tại chỗ
Dị Nậu là bãi tập kết rác tạm thời, hoạt động hơn 10 năm nay, trên phần đất của Thôn Miếu, xã Hữu Bằng. Bãi rác này được xây dựng khá đơn giản, gồm… tường bao và nằm trên cánh đồng, gần khu dân cư. Rác thu gom từ các hộ gia đình trong làng được chở bằng xe điện tự chế đến đổ vào bãi, chờ khi rác đủ khối lượng thì ô tô mới đến vận chuyển đi xử lý. Do được tập kết lộ thiên và lưu cữu nên số lượng lớn rác khi phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa hết, thỉnh thoảng, một số lượng rác dễ cháy còn được đốt gây khói, bụi, mùi khó chịu phát tán khắp khu vực rộng lớn.
Còn tại bãi rác rộng 634m2 ở Xóm 6, xã Phùng Xá, tiếp nhận khối lượng rác hằng tháng khoảng 250-300 tấn, đang bị xuống cấp phần tường bao. Do có 2 hố sâu trên lối vào đọng nước thải nên người thu gom không đẩy xe vào được đành phải đổ rác ngay trên lối đi và xuống hố sâu. Trong hai tháng 7-8 vừa qua, máy xúc tại bãi rác này hỏng, không thể xúc rác lên ô tô vận chuyển nên một lượng rác lớn tồn đọng dài ngày.
Với quy trình thu gom rác đơn giản, tập kết lộ thiên, xử lý (đốt rác) tại chỗ, hoạt động thu gom rác tại hai xã Phùng Xá và Hữu Bằng được ví là chuyển ô nhiễm ở các điểm nhỏ lẻ đến tập trung tại một điểm ô nhiễm lớn hơn.
Cần cải tiến quy trình thu gom
Từ năm 2010, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 50/2010/QĐ-UBND về cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thành phố thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải nông thôn trên địa bàn các huyện thuộc thành phố. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ các xã khoản kinh phí từ 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng điểm tập kết rác tạm cách xa khu dân cư. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thạch Thất, hiện toàn huyện có 21/23 xã, thị trấn đã nghiệm thu bãi rác mới, nhưng vẫn còn một số điểm tự phát quy mô nhỏ, xa khu dân cư; đồng thời, việc khai thác các bãi rác mới vẫn chưa được triệt để. Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Lấy xã Hữu Bằng làm ví dụ:
Điểm tập kết rác mới tại khu Đồng Bùi rộng 280m2, đã xây tường bao và láng nền xi măng, được Ban vệ sinh môi trường xã tiếp nhận từ ngày 17-7-2015. Nhưng trời mưa kéo dài, đoạn đường nội đồng từ trung tâm xã ra điểm tập kết vốn là nền đất bị ngập nước hình thành nhiều vũng lầy, thêm vào đó mặt đường hẹp, phương tiện vận chuyển rác đều là các xe trọng tải lớn nên ra vào rất khó khăn. Vì vậy, tuy có bãi rác mới nhưng hoạt động thu gom rác vẫn diễn ra ở bãi cũ. Tương tự, điểm tập kết rác mới của xã Phùng Xá tại cầu Giang Nối có diện tích 200m2 cũng chưa thể hoạt động vì phương tiện vận chuyển không thể qua Cầu Đen để vào bãi rác. Lý do? – Phải gia cố thì Cầu Đen mới chịu được tải trọng phương tiện vận chuyển rác.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại hai xã Hữu Bằng, Phùng Xá nói riêng và trên địa bàn huyện Thạch Thất nói chung là quy trình thu gom hết sức thô sơ:
Rác được chở trên phương tiện tự chế như xe ben, xe cải tiến… Mặc dù đã có nơi sử dụng xe thu gom rác chuyên dụng nhưng lượng xe còn thiếu.
Một số mẫu Xe gom rác chuyên dùng:
Có bãi rác nhưng đường vào không bảo đảm, quy trình thu gom thô sơ, lạc hậu… Những bất cập trong hoạt động thu gom rác trên địa bàn huyện Thạch Thất đã rõ. Nếu không sớm khắc phục, tình trạng ô nhiễm sẽ trở nên nghiêm trọng.
Theo Thuỳ Dương – Báo Hà Nội Mới