Hà Nam: Còn nhiều bất cập trong xử lý rác thải nông thôn

Thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dẫu vậy, ở Hà Nam, việc thu gom rác, xây dựng hố chôn rác hoặc khu tập trung rác ở nông thôn hầu như chưa được chú trọng. Phần lớn các xã chưa xây dựng được hố chôn rác theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý rác sau khi thu gom, thay vào đó là đốt rác đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân.

rác tại Hà Nam
Rác thải tại Hà Nam

Rác thải tấn công đồng ruộng

Tại xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, khu tập kết rác thải được UBND xã bố trí ngay sát đường đi vào khu trang trại Đồng Bề, là nơi tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm của xã. Trong một ngày nắng nóng oi bức đầu tháng 7, chỉ đứng quan sát người đổ rác chừng 5 phút đã khiến chúng tôi không chịu nổi mùi hôi bốc lên, kèm theo đó là ruồi, nhặng bay tứ tung. Loay hoay với chiếc xe cải tiến chất đầy rác cao hơn đầu người, ông Nguyễn Như Thọ, một người dân phụ trách thu gom rác thải tại các xóm 13 và 14 cho biết, mỗi ngày ông phải thu gom và đổ vào bãi rác tập trung này từ 4 đến 5 xe rác, ước chừng khoảng 6 m3 rác. Khi ông Thọ trút đổ xe rác xuống bãi, chúng tôi thấy được ngoài những rác thải sản xuất, rác thải sinh hoạt còn có những xác chó, mèo, gia cầm, chuột… bật ra. 

Ông Nguyễn Như Thanh, một hộ sản xuất có trang trại nằm ngay gần bãi rác thải tập trung xã Nhật Tân cho biết, gia đình ông chuyển vào khu sản xuất được 7 năm, thời gian đầu làm ăn rất thuận lợi. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, khi rác thải tại các thôn được đổ dồn về bãi rác thì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của gia đình. Gia đình ông Thanh được giao 1,4 mẫu để xây dựng, phát triển kinh tế trang trại, cao điểm trong chuồng có trên 40 con lợn, hàng nghìn con gà, vịt, nhưng đến nay thì ông Thanh không dám mạo hiểm nuôi những con vật này vì cho rằng môi trường ô nhiễm đã ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm trong chuồng nuôi. Thay vào đó, gia đình ông Thanh chỉ dám tập trung nuôi thả cá. Theo như ông Thanh phản ánh, mỗi ngày có khoảng gần 20 xe rác được tập kết tại bãi rác này, bãi rác cứ bị dồn ứ, chất đống, mùi rất khó chịu nhưng hoàn toàn không được rắc vôi bột hay có biện pháp xử lý nào nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh, mỗi tuần một lần người ta lại đốt rác, những lần như thế ông Thanh lại phải đưa vợ, con vào trong làng để tránh hít phải mùi khói, khét rất khó chịu. 

Cách đây không lâu, vào đầu năm 2012, tại khu vực trang trại tập trung này đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt khiến chính quyền và ngừơi dân đã phải tiêu huỷ hàng chục nghìn con vịt, ngan, thiệt hại lớn về kinh tế của các hộ chăn nuôi. Nguyên nhân của việc xuất hiện dịch cúm có thể sẽ không được chính quyền, ngành chức năng điều tra rõ, nhưng có ý kiến cho rằng mầm mống của dịch cúm có nguồn từ chính bãi rác này. 

Những vướng mắc chung 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tình, Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cho rằng, tại địa phương có nhiều nghề truyền thống, trên 11.000 nhân khẩu nên lượng rác thải hàng ngày tương đối nhiều, mỗi tháng thu gom khoảng trên 100 tấn rác. Hiện tại xã không có nguồn kinh phí nào để phục vụ việc thu gom, xử lý rác thải nên đã huy động đóng góp từ người dân ở mức 2.000 đồng/khẩu/tháng. Số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho người thu gom rác và mua vật tư xử lý rác tại các khu tập trung rác ở xóm 5 và xóm 13. Ông Tình khẳng định việc thu gom và xử lý rác thải như hiện nay là không đúng quy trình kỹ thuật, chưa xử lý triệt để được lượng rác thải hàng ngày cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu tập trung rác. Đáng lẽ ra, rác thải sau khi được tập trung tại bãi rác của xã phải được vận chuyển đến những nơi xử lý rác thải của tỉnh, hoặc phải chôn lấp theo đúng quy định. Nhưng các vấn đề tiên quyết vẫn là kinh phí và hệ thống giao thông thuận lợi thì xã Nhật Tân đều vướng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trạng xử lý rác thải tại xã Nhật Tân cũng là việc đang diễn ra phổ biến tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam, theo một quy trình: Rác được thu gom đến bãi tập trung rồi đốt. Ông Trần Đăng Trình, Chi cục Trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết, theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trong tỉnh đều đã xây dựng được các bãi rác thải tập trung, bình quân mỗi xã có từ 1 đến 2 bãi, phần lớn quy hoạch ở cánh đồng. Tại mỗi địa phương đều thành lập được tổ thu gom rác thải và hoạt động rất tích cực. Nhưng phần lớn lượng rác thu gom về đều được đốt ngay tại bãi chứ không được đem đến xử lý tại các nhà máy xử lý rác thải tập trung. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí hạn chế, bên cạnh đó đường đi vào bãi rác tập trung của các rất khó khăn, xe lớn không thể vào để vận chuyện rác được được. Ông Trình còn cho biết, hiện tỉnh Hà Nam đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công suất xử lý 4 tấn rác/giờ tại huyện Duy Tiên và Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt đặt tại xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Liêm 120 tấn/ngày đêm. Nhưng hiện tại cả hai nhà máy này đều hoạt động cầm chừng, hoặc đang trong quá trình bàn giao đơn vị quản lý. 

Theo mục tiêu của tỉnh Hà Nam, đến năm 2015 có 90% rác thải nông thôn được thu gom, trong đó có 50% được xử lý. Căn cứ vào thực trạng hiện nay, để đạt được mục tiêu này, các cấp, các ngành hữu quan của tỉnh Hà Nam còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là khắc phục những bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải như trên.

Nguồn: tinmoitruong.vn

CĐX: Vấn đề thu gom rác thải tại các vùng nông thôn của chúng ta còn chưa tốt, cần có sự truyền thông về việc thu gom chất thải tới từng hộ gia đình.

Nếu bạn cần mua Xe gom rác tại Hà Nam vui lòng liên hệ với chúng tôi để được báo giá và tư vấn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *