Xác định & phân loại chất thải y tế

Việc phân loại chất thải y tế đúng & sớm ngay tại nguồn sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội. Giúp hạn chế tối đa tác hại của rác thải y tế đến môi trường và con người. Các phương pháp để xác định và phân loại rác thải như sau:

1. Chất thải rắn y tế nguy hại

1.1. Chất thải rắn lây nhiễm

Chất thải rắn lây nhiễm là loại chất thải lây nhiễm phát sinh từ quá trình khám bệnh, điều trị, giám định, phòng ngừa bệnh ở người, có chứa vi sinh vật hoặc độc tố sinh học gây bệnh cho người, bao gồm:

Chất thải sắc nhọn bao gồm các loại kim tiêm, kim luồn, kim bướm, kim chọc dò, kim châm cứu thải bỏ; ống pipet, ống mao dẫn, ống xét nghiệm thủy tinh bị vỡ; lưỡi dao mổ, lưỡi dao cạo dùng cho người bệnh; những vật sắc nhọn khác nghi hoặc có dính máu, dịch sinh học người bệnh.

Chất thải rắn lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm: các chất thải thấm máu, dịch cơ thể; các chất thải phát sinh từ phòng cách ly; dây truyền dính máu, truyền plasma (bao gồm cả túi máu); găng tay y tế; catheter, kim luồn mạch máu không sắc nhọn; ống hút đờm, ống thông tiểu, ống thông dạ dày và các ống dẫn lưu khác; bột bó trong gẫy xương hở;

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao là chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm như: bệnh phẩm và dụng cụ đựng, dính bệnh phẩm;

– Chất thải giải phẫu bao gồm: các mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người được thải ra sau phẫu thuật; nhau thai, thai nhi; xác động vật thí nghiệm.

1.2. Chất thải hóa học nguy hại bao gồm:

– Các loại thuốc kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, thuốc quá hạn sử dụng;
– Các loại hóa chất, chất khử khuẩn thải chứa các thành phần hóa học nguy hại; chất hàn răng amalgan thải; phim XQ thải bỏ;
– Các thuốc gây độc tế bào thải bỏ và vỏ chai, lọ đựng các loại thuốc gây độc tế bào (cytotoxic và cytostatic), các dụng cụ dính thuốc gây độc tế bào;
– Nhiệt kế thủy ngân hỏng, huyết áp kế thủy ngân hỏng, bóng đèn huỳnh quang hỏng, pin thải, ắc quy thải, vật dụng, thiết bị điện tử thải bỏ và các vật liệu có chì thải bỏ;
– Bùn thải từ quá trình xử lý nước thải có chứa các chất vượt ngưỡng quy định tại QCVN 50:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước;
– Tro thải từ quá trình xử lý chất thải rắn y tế có chứa các chất vượt ngưỡng quy định tại QCVN07:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại.

1.3. Chất thải phóng xạ bao gồm:

– Các thuốc hoặc hóa chất có chất phóng xạ thải bỏ theo Danh mục thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu dùng trong chẩn đoán và điều trị tại Quyết định số 33/2006/QĐ-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Các vật liệu sử dụng trong các xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị có chất phóng xạ thải bỏ; Bơm tiêm, kim tiêm, kính bảo hộ, quần áo, găng tay y tế nhiễm xạ, giấy thấm, bông gạc, ống nghiệm, chai đựng thuốc có chất phóng xạ thải bỏ.

Phan loai rac thai y te tai benh vien

Một bảng hướng dẫn phân loại rác thải tại bệnh viện tại Hà Nội

2. Chất thải thông thường là gì ?

Chất thải thông thường là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, bao gồm:

2.1. Chất thải không có khả năng tái chế bao gồm:

– Chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khoa, phòng, các buồng bệnh không cách ly không có khả năng tái chế;

– Chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế không bị lây nhiễm như bột bó trong gẫy xương kín; các chai lọ thủy tinh;

– Chất thải ngoại cảnh: lá cây và rác từ khu vực ngoại cảnh;

– Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế có nồng độ các yếu tố nguy hại dưới ngưỡng theo quy định của QCVN 50:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước; tro của lò đốt chất thải y tế có nồng độ các yếu tố nguy hại dưới ngưỡng theo quy định của QCVN 07:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại.

2.2. Chất thải có khả năng tái chế bao gồm:

– Các chất thải phát sinh từ các công việc hành chính như giấy, báo, tài liệu, vật liệu đóng gói, thùng carton, túi nilon, túi đựng phim;

– Các chất thải sinh hoạt từ các buồng bệnh không cách ly như các chai, lọ, lon nước uống giải khát; thức ăn thải từ căng tin, nhà ăn;

– Các chất thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn như dây dịch truyền không dính máu, dính dịch cơ thể người; chai nhựa, đồ nhựa, các túi nilon, giấy bóng, giấy bọc, can nhựa không chứa chất lây nhiễm, không có chất hóa học gây độc hoặc nhiễm chất phóng xạ; bã thuốc y học cổ truyền;

– Chất thải lây nhiễm sau khi được xử lý bằng công nghệ khử khuẩn an toàn và có khả năng tái chế.

Nguồn:

THÔNG TƯ
Quy định về quản lý chất thải y tế của Bộ y tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *