Thùng rác hình gì?

Sẽ thế nào nếu nghe một câu chuyện: Trong 100 trẻ em châu Á da vàng mũi tẹt, tóc đen mắt tròn xoe ngây thơ như nhau, để tìm ra trẻ em Việt Nam là dễ nhất. Hãy cho tất cả ăn quà và những đứa trẻ nào vứt rác bừa bãi chính là trẻ em Việt Nam.

Tôi từng nhìn thấy cái thùng rác hình chim cánh cụt đầu tiên trong đời tại sân trường cấp 2 của tôi, đầy mới mẻ và hấp dẫn với cô bé 12 tuổi.

thung rac chim canh cut
Thùng rác nhựa chim cánh cụt

Sau này, qua thời bao cấp đói nghèo, tôi gặp nhiều thùng rác đẹp, màu sắc và quyến rũ hơn. Nhiều nhất vẫn là trong siêu thị và trên các phố trung tâm. Thùng rác màu xanh lá, thùng rác nhựa hai ngăn cho rác hữu cơ và vô cơ, thùng rác còn chình ình lên màn hình TV mỗi giờ cơm tối nhà tôi với chiến dịch 3R kêu gọi tái chế rác thải. Những thay đổi này chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm sẽ là hàng loạt guồng máy sản xuất thùng rác, hàng tỷ tế bào nhận thức của những người quan trọng nào đó, đưa rác và thùng rác lên thành yếu tố cần để tâm. Một tảng băng to đùng, thậm chí to hơn tảng băng làm chìm con tàu xa hoa lãng mạn Titanic năm nào, nhưng rồi cũng vẫn đang là một tảng băng trôi nổi vật vờ.

Ta dễ dàng nhận ra, tảng băng có tồn tại hay không qua ý thức về rác và thùng rác của số đông chẳng hề thay đổi. Tôi không biết trường cấp 2 của tôi còn những chiếc thùng rác chim cánh cụt đã làm ngỡ ngàng, vui sướng và khiến con bé 12 tuổi ngày nào chăm đi vứt rác không. Tôi không rõ với cuộc sống đẹp đẽ đầy đủ như hiện giờ, liệu có còn chiếc thùng rác nào đủ làm đôi mắt cậu bé, cô bé nào đó tròn xoe, thích thú không. Tôi chỉ thấy rác vẫn là thứ vô hình với thế giới xung quanh.

Tôi đang sống ở một khu dân cư sạch, đẹp và cư dân ở đây đa phần là trí thức, cư xử dễ chịu. Cuộc sống chẳng có gì đáng chê. Nhưng cứ chiều chiều ra cửa chơi với bọn trẻ con xinh đẹp xung quanh nhà, tôi thường xuyên bắt gặp cảnh chúng ăn bim bim, uống sữa, ăn kem, bánh, kẹo và vứt vỏ ngay dưới chân hoặc quăng ra xa. Bố mẹ chúng đứng đâu đó, thậm chí ngay cạnh, nhưng chỉ nhắc chúng ăn xong phải vứt vỏ đi và lau tay cho sạch. Vài lần tôi đã cố túm lấy vài đứa và chỉ bọn nó nhặt vỏ vừa vứt đem ra thùng rác, mặc kệ bố mẹ chúng đứng ngay gần nhìn tôi sai mấy đứa bé. Nhưng chẳng cố gắng nào có tác dụng, nếu ông bà, bố mẹ chúng vừa đi qua ngay trước mặt, ăn quà và vứt rác y như chúng vừa làm.

Sẽ thế nào nếu nghe một câu chuyện: Trong 100 trẻ em châu Á da vàng mũi tẹt, tóc đen mắt tròn xoe ngây thơ như nhau, để tìm ra trẻ em Việt Nam là dễ nhất. Hãy cho tất cả ăn quà và những đứa trẻ nào vứt rác bừa bãi chính là trẻ em Việt Nam.

Tôi không muốn những đứa trẻ được mang nặng đẻ đau và yêu thương nhiều như nhau, được phân biệt bằng những từ như thiếu văn minh, kém giáo dục, bẩn, mất vệ sinh.

Có lẽ không nên bắt đầu bằng một chiếc thùng rác chim cánh cụt xinh xẻo bất ngờ, mà nên bắt đầu từ những ông bố bà mẹ hiện tại, hay tương lai. Họ cần biết rác không vô hình và từ những bước chân đầu tiên con biết đi, hãy dẫn con đến thùng rác. Ở vị trí của mình, các em sẽ biết thùng rác tồn tại, hữu hình và có mục đích. Các em sẽ quyết định thùng rác nên có hình gì. Và quan trọng hơn, với bất kỳ hình dáng nào, thùng rác cũng đã tồn tại trong ý thức của các em.

Để câu chuyện 100 trẻ em châu Á mãi chỉ là chuyện trong bài viết này.

Hãy trang bị thùng rác cho nhà trường để các em học có thể thực hiện “bỏ rác đúng nơi quy định”

(NGuồn: ST)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *