Khuôn mặt hắn nguệch ngoạc, nhem nhuốc như quỷ sứ. Cặp mắt nửa thâm đen nửa đỏ ké của hắn trố ra nhìn không sót một chiếc thùng đựng rác bên lề đường. Cái bao tải rách trên vai hắn bẩn đến mức không thể bẩn hơn.
Bàn chân khộc khệch của hắn lê từng bước trên hè phố. Những người đi ngang qua, khi thì kín đáo khi thì thọc mạch, nhưng không bao giờ quên ném vào hắn một cái nhìn ghê tởm. Dăm năm về trước lớp người nghiện ma tuý như hắn tuy đã khá đông đúc nhưng chưa có cái cảnh đổ ra mặt phố để kiếm sống như bây giờ. Thảo nào các ông tiết sĩ kinh tế vẫn thường nói cơ chế thị trường nói cơ chế thị trường kích thích lao động đến mức tối đa. Thì đúng là hắn đang lao động. Lao động thật sự. Một công việc cực kỳ vất vả, hiểm nguy. Mỗi ngày hắn phải đi bộ đến vài chục cây số, rúc đầu vào tất cả các thùng rác to, nhỏ ven đường, coi khinh ruồi nhặng, coi khinh vi khuẩn để moi móc tất cả những gì còn có thể đem bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Một hình thức lao động khủng khiếp như vậy mà chật vật liên tục mười hai giờ hắn cũng chỉ kiếm được khoảng ba mươi đến năm mươi nghìn tuỳ theo sự may mắn.
Nhưng hắn không hề than vãn. Dù sao, với một kẻ đã mang trong người căn bệnh thế kỷ quái ác như hắn thì số tiền ít ỏi kiếm được ấy cũng đủ để hắn sống nốt quãng đời đen đủi còn lại. Hắn thừa biết người đời đang buộc phải chấp nhận hắn như chấp nhận một vết nhọ. Đúng thế! Hắn chính là vết nhọ đen kịt trong cái bức tranh xã hội đang mỗi ngày một tươi sáng, bóng bẩy này. Về phía mình hắn cũng có đôi chút tự hào là so với những đứa cầm dao giết bố mẹ hoặc cướp đường, cướp chợ để có tiền thoả mãn những cơn nghiện, thì hắn cũng có thể được coi như một kẻ lương thiện.
Ừ! Mà nói tới hai chữ lương thiện hắn lại chạnh buồn. Chục năm về trước hắn còn là một người lương thiện thực sự. Hắn đã từng có một quá khứ không tồi: sinh viên khoa văn năm thứ nhất của một trường đại học khá danh tiếng, lại là sinh viên giỏi, được nhận giấy khen về thành tích học tập. Hắn từng có một ước mơ táo bạo là trở thành nhà văn. Bây giờ thì dĩ nhiên tất cả đã trở thành mây khói. Hình ảnh duy nhất còn tồn tại trong bộ não vốn mơ mộng của hắn giờ đây chỉ là những thùng rác, hố rác bên lề đường. Bẩn thỉu, ghê rợn, nhưng rác lại chính là cứu tinh của hắn. Nếu không có cái thứ rác rưởi hôi tanh ấy thì có thể hắn đã phải trở thành kẻ trộm đạo hoặc trấn lột bất lương rồi. Thôi! Triết luận mãi về hắn làm gì cho thêm mệt.
Bây giờ đang là mười tám giờ ba mươi phút ngày 30 – 10. Hắn đang rúc vào một cái hố rác lớn cạnh một toà biệt thự rất đẹp. Hằng năm, cứ vào giờ này, ngày này, tháng này (có lẽ là sinh nhật của chủ nhân ngôi biệt thự kia) hắn lại mò tới đây để bới rác. Năm nào cũng có hàng trăm bó hoa từ ngôi biệt thự ném vào cái hố này. Nằm cùng những bó hoa ấy cơ man là những vỏ hộp các-tông và đồ phế thải rất có giá.
Theo thói quen hằng năm, hắn bới lấy một bó hoa rác có vẻ còn tươi nhất, giơ cao, làm một động tác tự tặng hoa cho ngày sinh của mình. Khốn khổ thay, ngày này, tháng này cũng chính là ngày sinh nhật của hắn. Cùng ngày sinh, sao hắn thì khổ thế mà lão chủ ngôi biệt thự kia thì sung sướng, hạnh phúc thế. Vì vậy, làm sao hắn có thể tin vào các ông thầy tử vi được. Hắn lắc lắc bó hoa với vẻ vừa đau đớn vừa vui thú. Bất chợt từ trong bó hoa, một cái phong bì rơi ra. Hắn trố mắt nhìn hồi lâu rồi như một con mèo hoang, hắn vồ lấy chiếc phong bì, bóc vội bóc vàng trong tâm trạng của kẻ chơi xổ số. Hắn chết lặng người khi thấy bên trong chiếc phong bì có mấy tờ đô la xanh như thép. Hắn như cuồng lên, ném bó hoa, nhét vội chiếc phong bì vào túi rồi chạy tắt về phía góc phố. Chọn một nơi kín đáo, hắn rút mấy tờ đô la ra đếm. Đúng 500 đô. Hắn cấu vào má kiểm tra xem có phải là đang nằm mơ. Hắn không mơ. Mấy tờ đô la vẫn… đập thình thịch trong tay hắn. Hắn nhẩm tính. Hơn mười triệu đồng Việt Nam. Hắn định nhẩy thếch lên trong niềm sung sướng đến tột cùng nhưng ghìm lại được. Hắn nhếch mép cười. Chà! Một trong hàng trăm cái phong bì do một nguyên nhân nào đó đã bị bỏ sót trong bó hoa. Khiếp thật! Hắn lại muốn kêu toáng lên : “Ha! Ha! Một kẻ bất lương đút lót cho một kẻ bất lương khác và cuối cùng lại rơi vào tay một kẻ… bất lương là ta. Ha! Ha!”.
Hôm sau, hắn thấy cần tự thưởng cho mình mấy ngày nghỉ ngơi xả láng. Ừ! thì hắn còn sống được đếch bao nhiêu nữa mà phải chịu khổ. Một bộ quần áo mới, một đôi dép mới, một chiếc mũ mới đã lần lượt “ra đời” từ 500 đô ấy. Sau khi vào quán xơi liền hai bát phở gà nóng bỏng, hắn bắt đầu thả bộ trên phố trong tâm trạng của kẻ tiền đầy túi. Ngót chục năm nay, bây giờ hắn mới được thưởng thức trở lại cái thú bước đi trên phố trong thế bình đẳng với tất cả mọi người. Vì vậy, đầu hắn vươn cao chứ không ngoẹo xuống như những hôm đi lượm rác. Hắn dừng lại trước một đám đông. Thì ra là một đám tổ chức từ thiện cho trẻ em nghèo. Trên sân khấu, hơn chục đứa trẻ đang đứng xếp hàng. Một lát sau, từ trong cánh gà, lúc lắc bước ra một nhà từ thiện. Hắn há hốc mồm vì nhận ra nhà từ thiện chính là chủ nhân của ngôi biệt thự nọ. Đã mấy năm hắn lui tới cái hố rác dưới khu biệt thự, chạm trán thường xuyên với lão nên hắn không thể nhận lầm.
Theo sau nhà từ thiện là một cô gái khệ nệ bưng cái sọt đựng đầy quà tặng. Rồi tiếng vỗ tay vang dội. Rồi phát biểu. Rồi đáp từ. Rồi lời cảm ơn. Rồi những lời ca tụng tưởng như không dứt. Hắn khẽ nhún vai.
Một lúc sau nhà từ thiện giơ tay vẫy vẫy mọi người rồi đường bệ bước xuống sân khấu, thong thả cúi đầu chui vào chiếc xe hơi màu trắng. Hắn nheo mắt. Chiếc xe trắng đến mức không thể trắng hơn. Chiếc ô-tô chở nhà từ thiện từ từ chuyển bánh rồi lướt êm như ru trên mặt phố. Hắn lại nhún vai. Từ lúc có 500 đô trong túi, hắn rất thích nhún vai. Thảo nào mấy ông tây xì xồ giàu có thường hay có thói quen nhún vai.
Chiếc xe ô-tô sang trọng của nhà từ thiện chạy dọc con đường lớn, hằn một vệt trắng trên nền phố. Hắn trân trân nhìn theo một lúc khá lâu. Cái máu sinh viên văn khoa của hắn bất chợt thức tỉnh. Hắn nhún vai (tất nhiên rồi) và văng ra một câu đầy vẻ triết lý: “Hừ! Những vết nhọ trắng bao giờ chả khó nhận hơn những vết nhọ đen”.
Truyện ngắn của HỒ THỦY GIANG