Rác thải điện tử và nỗi lo sức khỏe con người

rac thai dien tu

Điện tử là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất hiện nay. Điện tử đã hoàn toàn thay đổi cách mọi người sống và tương tác với nhau. Tuy nhiên, đằng sau “ánh hào nhoáng” của các sản phẩm điện tử và phát triển công nghiệp là những mặt tối mà chúng ta không dễ nhìn thấy.

Rác thải điện tử là gì?

Định nghĩa hoàn chỉnh nhất cho rác thải điện tử là bất kỳ thiết bị bỏ đi, vẫn còn hoạt động, được kết nối với nguồn điện (dây nguồn hoặc pin). Nó cũng bao gồm thiết bị tạo ra điện năng như tấm pin năng lượng mặt trời. Đó là rất nhiều thiết bị mà bạn thậm chí còn không nhớ về sự tồn tại của nó ngay trong nhà. Con số thống kê chính xác các thiết bị điện tử trung bình trong một hộ gia đình là 80 chiếc, nhưng khi bạn nói với mọi người chắc sẽ chẳng có ai tin vào điều này.

rac thai dien tu

Thiết bị điện tử là nguồn rác thải gia tăng nhanh chóng và dần trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đóng góp vào sự gia tăng của rác thải điện tử chỉ bởi lưu luyến với chiếc điện thoại hay laptop cũ. Thay vì đưa tới các điểm tái chế, chúng ta lại giữ những thiết bị đó bên mình.

Đó chính xác là vấn đề, bạn không bao giờ lưu trữ các loại rác thải thực phẩm trong nhà, bạn muốn quẳng chúng đi càng sớm càng tốt. Ngược lại với thiết bị cũ, bạn có thể cất chúng ở bất cứ đâu. Ngày nay, chúng ta gắn bó với điện thoại, máy tính, máy ảnh và rất khó để vứt đi mà không khỏi tiếc nuối.

Ngoài ra, các thiết bị điện tử bị hỏng thì đôi khi chúng vẫn được giữ lại. Vì thế mà số lượng lớn rác thải điện tử không được xử lý. Mỗi người chúng ta đã không suy nghĩ tới vấn đề này và vô tình đã ngăn chặn một lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên quay lại chu kỳ kinh tế.

Nhiều hiểm họa đến từ rác thải điện tử

Theo nhận định của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường 1kg rác thải điện tử. Nếu nhân với 90 triệu dân thì tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm. Rác thải điện tử là loại rác thải cực độc hại, có nguy cơ hủy diệt môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã rút ngắn vòng đời của sản phẩm điện tử. Các sản phẩm điện tử hư hỏng hoặc lỗi thời bị thải bỏ trở thành rác điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh gấp 3 lần các loại rác thải khác. Song, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.

rac thai dien tu 2
Mạch điện tử cũ không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Ông Sanjiv Pandita, Trung tâm Giám sát nguồn nhân lực châu Á (AMRC), cho biết, hơn 1/4 của 1 tỷ chip được sản xuất hàng năm đòi hỏi việc sử dụng một lượng đáng kinh ngạc của hóa chất độc hại, kim loại và các loại khí. Hóa chất độc hại là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử, hàng ngàn hóa chất đang được sử dụng trong quá trình sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường.

Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Scotland, Hàn Quốc… cảnh báo. Công nhân làm việc trong ngành này thường phải tiếp xúc với các mối nguy hại từ axít trong quá trình ăn mòn, làm sạch thiết bị, chất khí dễ cháy nổ, hơi khí độc, dung môi trong quá trình làm sạch, mạ, phủ kim loại, quá trình quang hóa, tia laser, tia cực tím và phóng xạ. Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cũng cho thấy, mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để hạn chế tình trạng này, theo các chuyên gia, chúng ta cần đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến Bộ luật Lao động trong đó chú trọng các nội dung về an toàn vệ sinh lao động cho ngành điện tử, các đối tác liên quan. Tăng cường nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của điều kiện lao động sản xuất và lắp ráp điện tử đến sức khỏe người lao động và môi trường sinh thái, để xác định rõ các ảnh hưởng của điều kiện lao động đến sức khỏe của người lao động để có các biện pháp phòng tránh kịp thời kéo dài tuổi đời, tuổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Rà soát xây dựng hệ thống quy chuẩn an toàn vệ sinh lao động về hóa chất, điện từ trường, phóng xạ đảm bảo an toàn cho người lao động và tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Khi xây dựng, ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động cần có các chương riêng cho các yếu tố nguy hiểm như hóa chất, điện từ trường, phóng xạ… Cần tiến hành các biện pháp can thiệp để bảo vệ người lao động như lập hệ thống hồ sơ theo dõi sức khỏe của người lao động trước, trong và sau quá trình làm việc ở các nhà máy điện tử.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm nghiên cứu của CDI, cho biết, trên thực tế, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử, cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường.

Xuất phát từ thực tế đó, CDI đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ (OSB) trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp tiến hành hoạt động nghiên cứu bước đầu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện lao động đến người lao động tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”. Để từ đó có cái nhìn tổng quan và có những giải pháp phù hợp. Cũng theo bà Hoài, trước mắt, chúng ta cần đẩy mạnh các giải pháp thanh kiểm tra về thực thi pháp luật lao động như vấn đề thời giờ làm thêm, đo kiểm môi trường, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Xây dựng cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thực thi tốt trách nhiệm xã hội, xây dựng mạng lưới hỗ trợ thông tin về an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho lao động. Cập nhật chia sẻ các thông tin trong nước và quốc tế về các nghiên cứu liên quan đến sức khỏe người lao động làm việc trong ngành điện tử.

Theo Cao Thăng – báo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *