Việc bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của các tổ chức và nhà nước, đó cũng không phải là việc gì đó quá to tát phức tạp mà chỉ là những hành động rất đơn giản. ví dụ như bỏ rác đúng nơi quy định.
TP.HCM là một trong những đô thị phát triển nhanh chóng. Cuộc sống nhộn nhịp nơi đây đã làm cho bất cứ ai dù là cư dân bản địa hay khách du lịch cũng phải xao xuyến. Và cho dù có đi đâu, người ta vẫn nhớ về nó như một nơi đã từng gắn bó.
Tuy thế, đi cùng với sự phát triển, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là thực trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Thu gom rác còn nhiều bất cập
Tại hội thảo do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức mới đây, ThS Nguyễn Trọng Nhân, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP.HCM, cho biết mỗi ngày tại TP, lượng chất thải rắn phát sinh được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý tập trung từ 7.000 đến 7.500 tấn. Theo số liệu công bố của Sở, lượng rác này do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích 22 quận, huyện, HTX Công nông và lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện.
Đối với việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, lực lượng Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích các quận, huyện thực hiện thu gom khoảng 40% khối lượng chất thải rắn phát sinh. Phần còn lại 60% là do hệ thống thu gom dân lập là cá nhân, nghiệp đoàn, HTX thực hiện.
Nếu mỗi chúng ta có ý thức bảo vệ môi trường thì TP sẽ ngày càng sạch và xanh. Ảnh: NGỌC CHÂU
Theo ThS Nhân, công tác thu gom rác tại nguồn còn tồn tại nhiều vấn đề. Phần lớn chủ nguồn thải có thói quen bỏ rác trước cửa nhà, trên vỉa hè; mỗi quận, huyện có thời gian thu gom khác nhau tùy theo tình hình, phương tiện, trang thiết bị thu gom… Lực lượng thu gom không thu đúng quy định, thậm chí có ngày không gom khiến rác bị tồn đọng trên đường phố, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, nhiều phương tiện thu gom rác lại không đảm bảo vệ sinh, nước rỉ rác rơi vãi trên đường. Ở những tuyến hẻm, đặc biệt là những hẻm nhỏ, nhiều phương tiện thu gom rác không thể đi vào trong. Vì vậy mà thời gian xe đậu bên ngoài chờ lấy rác lâu hơn, cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Tăng cường phối hợp thực hiện
Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần thời gian nhất định. Trong đó có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với lực lượng thu gom và chủ nguồn thải. Đặc biệt vấn đề tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu.
Đối với các chủ nguồn thải, chúng ta cần vận động họ không để rác bên ngoài hoặc chỉ để rác bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định. Người dân, khách vãng lai cần chú ý giữ vệ sinh môi trường. Các hộ kinh doanh bố trí dụng cụ chứa rác, phương tiện lưu giữ chất thải; đảm bảo người mua, người bán không bỏ rác ra đường. Đối với khu vực chủ nguồn thải không thể kết nối thời gian với lực lượng thu gom, UBND phường, xã cần bố trí thùng rác công cộng, phải có thời gian cụ thể để người dân biết và bỏ rác đúng giờ.
Việc bảo vệ môi trường không phải quá to tát mà chỉ là những hành động rất đơn giản. Bạn chỉ cần nhớ: Hãy bỏ rác vào thùng, đừng xả rác, khạc nhổ, phóng uế trên đường, hè phố; thường xuyên quét dọn, làm vệ sinh nơi ở, khu xóm, không làm phát sinh bãi rác trong khu dân cư; hướng dẫn con trẻ cùng bảo vệ môi trường…
Nguồn: Báo Pháp luật thành phố HCM
* Tiêu đề đã được đặt lại. tiêu đề gốc: Bảo vệ môi trường bằng những hành động đơn giản